Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (31-03-2023)

Nhằm cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; đồng thời huy động nguồn lực của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện có hiệu quả Kế hoạch; ngày 17/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 54/KH-UBND về thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt khoảng 2.361 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 4.050 triệu USD. Nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; đảm bảo cán cân thương mại hợp lý trên địa bàn tỉnh.

Trong định hướng phát triển chung, tỉnh tập trung phát triển mạnh hoạt động xuất nhập khẩu với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Chuyển dịch mạnh cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển sản phẩm xuất khẩu đến năm 2030 gồm: Nhóm hàng điện tử, nhóm hàng dệt may, nhóm hàng kim loại, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm hàng hóa khác. Phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh tạo sản phẩm mới để xuất khẩu. Các nhóm hàng phát triển sản phẩm xuất khẩu thuộc về: Hàng điện tử, hàng may mặc, nông- lâm- thủy sản, hàng kim loại, hàng hóa khác. Tỉnh định hướng phát triển thị trường xuất khẩu của tỉnh theo hướng liên tục, thường xuyên và bài bản, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường yêu cầu cao về chất lượng như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chủ thể tham gia xuất khẩu luôn củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.

Kế hoạch hành động xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, gồm: Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung cấp bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; nâng cao vai trò của các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. Trong đó, Sở Công Thương: Thực hiện nhiệm vụ là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng theo quy định. Hàng năm tổng hợp dự toán kinh phí để triển khai các nội dung của Kế hoạch theo nhu cầu phát triển và phù hợp với tình hình thực tế của các đơn vị, thống nhất với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch này. Tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ cụ thể hằng năm cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Quảng cáo