Đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh (19-01-2024)

Xác định hội nhập kinh tế quốc tế là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình tích cực tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Các doanh nghiệp của tỉnh Hòa Bình đã tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia để mở rộng thị trường xuất khẩu

Năm 2023, các sở, ban, ngành của tỉnh đã rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi quản lý; kiến nghị, chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng và ban hành mới các văn bản nhằm đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế mà Việt Nam đã ký kết, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư của tỉnh được đẩy mạnh theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 708 dự án; trong đó có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 668 triệu USD và 671 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký khoảng 250.000 tỷ đồng. Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Nhờ đó, trong năm 2023 kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 1.695 triệu USD, thực hiện 100,041% kế hoạch, tăng 17,94% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.229 triệu USD, thực hiện 100,01% kế hoạch, tăng 12,02% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những mặt đạt được, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh vẫn còn những hạn chế tồn tại như: Các Hiệp định được ký kết theo đó các yêu cầu, quy định của các quốc gia ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của các mặt hàng. Công tác thông tin tuyên truyền kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế đã được quan tâm xong mức độ còn hạn chế, chưa được thường xuyên, liên tục; hình thức, cách thức tuyên truyền chưa được đổi mới hiệu quả chưa cao. Trình độ tay nghề của người lao động còn chưa đồng đều, ý thức kỷ luật lao động chưa cao dẫn đến năng suất lao động thấp chưa đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng cao của doanh nghiệp FDI.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, chính sách của Chính phủ, của tỉnh về hội nhập kinh tế quốc tế. Kêu gọi sự chung tay góp sức từ doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác phát triển khác cho phát triển sản xuất, liên kết và tiêu thụ hàng hóa; đặc biệt hướng tới xuất khẩu nông sản chính ngạch, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Thu hút đầu tư có chọn lọc, phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh; triển khai thực hiện bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh (DDCI) các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Quảng cáo